Train to Busan - một hiện tượng điện ảnh đã đưa dòng phim zombie Hàn Quốc vươn tầm quốc tế. Không chỉ đem lại những phút giây kinh hoàng, tác phẩm của đạo diễn Yeon Sang-ho còn là bản tuyên ngôn nhân văn sâu sắc về bản chất con người khi đối diện với tận thế. Cùng K+ đi sâu phân tích những yếu tố đã biến bộ phim này thành kinh điển của dòng phim sinh tồn châu Á hiện đại.
- Tên phim: Train to Busan (Chuyến Tàu Sinh Tử)
- Thể loại: Hành động — Kinh dị — Zombie
- Năm phát hành: 2016
- Thời lượng: 118 phút
- Đạo diễn: Yeon Sang-ho
- Diễn viên chính: Gong Yoo, Ma Dong-seok, Jung Yu-mi, Kim Su-an
- Điểm đánh giá: IMDb 7.6/10 | Rotten Tomatoes: 94% | Metacritic: 72
- Thành tựu: Doanh thu hơn 98 triệu USD toàn cầu và trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes 2016
Train to Busan mở đầu bằng một chuyến tàu tưởng như bình thường từ Seoul đến Busan, nhưng nhanh chóng trở thành một địa ngục khi một cô gái mang virus zombie bí ẩn lên tàu. Virus lan nhanh đến mức gần như không còn nơi nào an toàn. Các hành khách – từ ông bố bận rộn Seok-woo và con gái Su-an, đến cặp vợ chồng đang mang thai Sang-hwa và Seong-kyeong – buộc phải chiến đấu bằng bản năng sinh tồn để sống sót.
Từng khoảnh khắc trên chuyến tàu là một phép thử cho tình người: có đoàn kết – có phản bội, có hy sinh – có ích kỷ. Những tình tiết đẩy cao trào cảm xúc như sự hy sinh của người chồng Sang-hwa, hay ánh mắt thất vọng của cô bé Su-an khi thấy sự vô cảm của người lớn, tạo nên sức nặng nhân văn cho phim.
Khoác lên mình tấm màn của một bộ phim zombie gay cấn, Train to Busan thực chất là chiếc gương soi chiếu những mặt tối trong xã hội Hàn Quốc hiện đại – nơi chủ nghĩa cá nhân và sự phân tầng giai cấp đang từng ngày ăn mòn tính nhân văn. Điển hình cho sự tha hóa ấy là nhân vật Yong-suk – vị giám đốc tưởng chừng thành đạt nhưng lại sẵn sàng hy sinh người khác để bảo toàn mạng sống cho riêng mình. Ông ta gieo rắc nỗi sợ hãi, kích động đám đông xua đuổi những người sống sót, và thậm chí lạnh lùng đẩy người khác vào tay tử thần để mở đường thoát thân. Những hành vi ấy không chỉ là sự ích kỷ tột cùng mà còn là biểu hiện trần trụi của bản năng sinh tồn mù quáng, khi lòng trắc ẩn bị đánh đổi bằng sự hoảng loạn và tư lợi.
Không ít nhà phê bình cho rằng bộ phim còn mang tính ẩn dụ sâu sắc về thảm họa chìm phà Sewol – bi kịch từng làm rúng động Hàn Quốc, nơi chính quyền bị lên án vì sự chậm trễ và thờ ơ trước sinh mạng người dân. Cũng như trên con tàu định mệnh kia, các nhân vật trong Train to Busan không chỉ phải đối mặt với lũ thây ma khát máu, mà còn phải chiến đấu với sự vô cảm, ích kỷ và thành kiến giai cấp – những "con quái vật" nguy hiểm không kém, tồn tại ngay trong lòng xã hội con người.
Một trong những yếu tố khiến Train to Busan trở nên nổi bật giữa hàng loạt phim zombie là cách xây dựng nhân vật có chiều sâu tâm lý, thể hiện sự biến chuyển nội tâm rõ nét trong từng tình huống sinh tử.
Seok-woo (Gong Yoo): Hành trình từ ích kỷ đến hy sinh của người cha
Seok-woo là đại diện cho tầng lớp trung lưu bận rộn trong xã hội hiện đại – làm việc cho một công ty tài chính, sống lạnh lùng, xa cách với con gái Su-an. Anh là kiểu người cha “bận rộn nhưng vô hình” – yêu con nhưng không biết thể hiện, luôn chọn công việc thay vì dành thời gian cho gia đình.
Tuy nhiên, khi thảm họa zombie xảy ra, hành trình của anh trên chuyến tàu trở thành hành trình cứu chuộc và chuyển hóa. Từ một người chỉ nghĩ đến bản thân và con gái, thậm chí anh ta còn không biết yêu con gái làm sao cho đúng cách; Seok-woo bắt đầu quan tâm đến người khác, dám liều mình giúp đỡ những hành khách khác. Khoảnh khắc cao trào nhất là khi anh chấp nhận hy sinh để đảm bảo Su-an được an toàn – một kết thúc mang tính biểu tượng về sự thức tỉnh lương tri và tình cha thiêng liêng, cao cả.
“Anh không phải là anh hùng từ đầu – nhưng anh đã trở thành anh hùng theo cách đời thực: bằng lựa chọn đúng đắn trong khoảnh khắc khốc liệt nhất.
Sang-hwa (Ma Dong-seok): Hình mẫu của “người bình thường mà phi thường”
Không cần lời thoại hoa mỹ, Sang-hwa là một hình tượng rất gần gũi và nhận được nhiều sự yêu mến từ khán giả: anh ta mạnh mẽ, hành động dứt khoát, nhưng đầy yêu thương và trách nhiệm với vợ. Nhân vật này ghi điểm nhờ sự đối lập thú vị, khiến không ít khán giả phải bật cười khi xem phim: ngoại hình cơ bắp, dữ dằn nhưng lại là người đầy tình cảm và luôn đặt an nguy của người khác lên trước bản thân.
Sang-hwa - một người bình thường trong xã hội, không có siêu năng lực như X-men hay sở hữu sự ưu ái về nguồn lực như các nhân vật trong MCU, anh đã trở thành một người hùng không áo choàng. Thứ vũ khí mạnh nhất của anh là một trái tim nhân hậu, biết yêu thương và hành động vì cộng đồng. Anh là biểu tượng của một tấm lòng cao cả, trái ngược với những nhân vật ích kỷ khá được xây dựng trong phim.
Yong-suk: Đại diện cho mặt tối của bản năng sinh tồn
Yong-suk – một giám đốc công ty, là nhân vật phản diện rõ ràng nhất trong phim. Trong bối cảnh xã hội sụp đổ, ông ta chọn cách sống sót bằng mọi giá: lừa dối, đổ lỗi, đẩy người khác vào chỗ chết. Có lẽ khi xem phim, rất nhiều khán giả đã cảm thấy vô cùng tức tối, bởi sự ích kỷ của ông ta khiến không ít người phải hy sinh, trong đó có cả người đã từng cứu giúp ông.
Yong-suk là sự phản ánh trần trụi về bản chất con người khi đối mặt với cái chết – nơi đạo đức và quyền lực bị thử thách. Ông đại diện cho tầng lớp có địa vị nhưng không có nhân tính, và cái kết của ông là minh chứng cho thông điệp: quyền lực và địa vị không thể cứu bạn nếu bạn không còn tình người.
Su-an: Lương tâm trẻ thơ - điểm sáng rực rỡ giữa bóng tối tận thế
Su-an là nhân vật nhỏ tuổi nhưng có ảnh hưởng cảm xúc mạnh mẽ nhất trong phim. Cô bé mang đến những khoảnh khắc đối lập với sự hỗn loạn xung quanh: lời hát nghẹn ngào, ánh mắt thất vọng khi người lớn từ chối giúp đỡ người khác, hay cách cô quan tâm đến mọi người dù còn nhỏ.
Su-an là biểu tượng cho sự ngây thơ và hy vọng – một mầm sống tinh khôi giữa bóng tối, nhắc nhở khán giả rằng lòng trắc ẩn và tình người không bao giờ là yếu đuối, mà chính là sức mạnh lớn nhất trong tận thế. Có lẽ chính vì những yếu tố đó, mọi nhân vật đều cố gắng hết sức để bảo vệ cô bé. Họ không chỉ bảo vệ một mạng người, mà chính họ đang chung tay nâng niu hy vọng vào sự tốt của cuộc đời, ngay giữa nơi cái chết và sự sống là vô cùng mong manh.
Với tài năng của mình, đạo diễn Yeon Sang-ho đã xây dựng một tác phẩm điện ảnh xuất sắc khi kết hợp những yếu tố từ kịch bản, diễn xuất tới những kỹ thuật điện ảnh đỉnh cao, tạo nên không gian căng thẳng, hồi hộp và có phần ám ảnh cho người xem.
Không gian bị giới hạn và sự căng thẳng claustrophobic (ngột ngạt)
Một trong những yếu tố quan trọng nhất của Train to Busan là không gian bị giới hạn trong suốt bộ phim. Toàn bộ hành trình diễn ra trong một chiếc tàu – một không gian khép kín, nơi không có nhiều cơ hội để tẩu thoát. Chúng ta chỉ có thể thấy được các nhân vật di chuyển trong những không gian nhỏ hẹp như hành lang, toa tàu, tạo cảm giác bị kẹt lại, không có lối thoát. Kỹ thuật này giúp tạo ra một bầu không khí căng thẳng, liên tục đẩy người xem vào trạng thái lo sợ, không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Chính trong không gian ấy, đạo diễn Yeon Sang-ho lại càng đẩy nhanh nhịp phim và các cảnh hành động. Vì bối cảnh chủ yếu diễn ra trong một đoàn tàu, rất nhiều góc máy sáng tạo đã sử dụng để khắc họa các trận chiến sinh tồn trong không gian hạn chế. Những cảnh hành động được dựng theo cách rất căng thẳng, với những cú máy nhanh, góc quay chật chội giúp tăng cường cảm giác gấp gáp và căng thẳng. Điều này tạo nên một không gian ám ảnh và gây cấn, khiến người xem không thể rời mắt khỏi màn hình.
Kỹ xảo và hóa trang zombie đột phá so với phim châu Á cùng thời
Train to Busan sử dụng những kỹ xảo và hóa trang zombie tuyệt vời, vượt trội so với nhiều bộ phim zombie khác cùng thời. Cách tạo hình zombie trong phim mang lại một cảm giác mới lạ – thay vì những zombie chậm rãi và uể oải, những con zombie trong Train to Busan có sự di chuyển cực nhanh, như thể bị thôi thúc bởi một cơn thèm khát mất kiểm soát. Sự khác biệt này không chỉ khiến bộ phim thêm kịch tính mà còn làm nổi bật yếu tố sinh tồn, bởi các nhân vật phải đối diện với một mối nguy hiểm không ngừng di chuyển và thay đổi.
Âm thanh và âm nhạc góp phần tạo nên không khí khủng hoảng
Âm thanh trong Train to Busan đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng không khí căng thẳng. Những tiếng gầm rú của zombie, tiếng động ầm ầm của tàu chạy nhanh, hay những tiếng thở hổn hển của nhân vật đều được sử dụng rất hiệu quả để tạo nên một không gian âm thanh căng thẳng. Bên cạnh đó, phần nhạc nền cũng đóng góp không nhỏ vào cảm xúc của bộ phim. Âm nhạc được sử dụng một cách tinh tế, có lúc thả lỏng, có lúc dồn dập, góp phần khuếch đại những cảnh căng thẳng và đau lòng.
Nếu như Hollywood thống trị thể loại zombie với các thương hiệu như World War Z, 28 Days Later, hay Resident Evil, thì Train to Busan lại đưa ra một cách tiếp cận hoàn toàn mới: kết hợp giữa hành động kịch tính, yếu tố nhân văn sâu sắc và bối cảnh văn hóa Á Đông.
Sau thành công vang dội của Train to Busan, nhiều tác phẩm zombie châu Á lần lượt ra đời như Peninsula (phần hậu truyện), #Alive, và đặc biệt là series Kingdom của Netflix – tất cả đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ công thức thành công mà đạo diễn Yeon Sang-ho đã tạo nên.
Trước Train to Busan, Yeon Sang-ho đã được biết đến với các phim hoạt hình như The King of Pigs và The Fake, nhưng chính Train to Busan đã giúp ông bước lên đỉnh cao của sự nghiệp. Sau thành công này, Yeon Sang-ho tiếp tục phát triển vũ trụ zombie với phần hậu truyện Peninsula (2020), tuy nhiên bộ phim này không đạt được thành công vang dội như người tiền nhiệm.
Train to Busan cũng là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của cả Gong Yoo và Ma Dong-seok. Gong Yoo, vốn đã nổi tiếng qua các bộ phim truyền hình như Goblin, sau Train to Busan trở thành một trong những nam diễn viên hàng đầu Hàn Quốc. Ma Dong-seok, với vai Sang-hwa, đã thu hút sự chú ý của khán giả quốc tế và tiếp tục tham gia các dự án quốc tế, bao gồm Eternals (2021) của Marvel.
Peninsula, phần hậu truyện của Train to Busan, tiếp tục khai thác thế giới đại dịch zombie. Tuy nhiên, mặc dù vẫn có những yếu tố đáng chú ý, bộ phim không thể vượt qua cái bóng quá lớn của phần đầu. Peninsula mang đến một câu chuyện rộng lớn hơn với bối cảnh toàn quốc gia, nhưng không còn giữ được sự căng thẳng chặt chẽ như Train to Busan.
Train to Busan không chỉ là một bộ phim zombie thông thường mà là một tác phẩm đã định hình lại dòng phim sinh tồn châu Á. Với thông điệp nhân văn sâu sắc, kỹ thuật điện ảnh xuất sắc và những màn trình diễn đáng nhớ, bộ phim xứng đáng là một kiệt tác không thể bỏ lỡ. Trải nghiệm bộ phim bom tấn này trên K+ ngay hôm nay!