Các True Blues thường nói điều này khi được hỏi về Didier Drogba “Sân Stamford Bridge có thể có rất nhiều huyền thoại, nhưng chỉ có 1 vị vua duy nhất”. Phong cách thi đấu máu lửa, những bàn thắng và đặc biệt là khả năng tỏa sáng tại các thời khắc quan trọng. Didier Drogba đã có cho mình một sự nghiệp viên mãn tại Chelsea. Cùng K+ Play tìm hiểu về sự nghiệp của “voi rừng” dưới đây
Didier Drogba sinh ngày 11 tháng 3, 1978 tại Abidjan, Bờ Biển Ngà. Lúc 5 tuổi, anh được gửi sang Pháp sống cùng người chú là cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, nhưng sau đó trở về quê nhà rồi lại quay lại Pháp khi gia đình gặp khó khăn.
Drogba bắt đầu sự nghiệp bóng đá chuyên nghiệp tại Le Mans năm 1999, trước khi chuyển sang Guingamp rồi Olympique Marseille, nơi anh tỏa sáng và được mua về Chelsea năm 2004 với giá 24 triệu bảng.
Drogba là biểu tượng của Chelsea và là một trong những tiền đạo vĩ đại nhất lịch sử Premier League.
Anh ghi 157 bàn trong 341 trận cho Chelsea, giành 4 chức vô địch Premier League, 4 FA Cup, 3 League Cup và đặc biệt là Champions League 2012, khi anh ghi bàn gỡ hòa ở phút 88 và đá quyết định chiến thắng trên chấm penalty.
Drogba cũng là đội trưởng và là tay săn bàn số một lịch sử đội tuyển Bờ Biển Ngà với 65 bàn sau 104 trận, dẫn dắt đội tới 3 kỳ World Cup và 2 trận chung kết Africa Cup of Nations.
Drogba nổi tiếng với vai trò kiến tạo hòa bình và phát triển xã hội. Anh thành lập Didier Drogba Foundation năm 2007, chuyên xây dựng bệnh viện, trường học, hỗ trợ giáo dục và y tế cho trẻ em nghèo tại châu Phi.
Anh cũng là Đại sứ Thiện chí của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), tham gia nhiều sáng kiến hòa giải xung đột ở Bờ Biển Ngà và khu vực, đồng thời là Phó Chủ tịch tổ chức Peace and Sport. Drogba được trao nhiều giải thưởng nhân đạo, trong đó có FIFA Fair Play Award và UEFA President’s Award, nhờ những đóng góp cho cộng đồng và xã hội
Drogba nổi bật với thể hình vạm vỡ (cao 1m89, nặng khoảng 85kg), sức mạnh vượt trội và khả năng đánh đầu xuất sắc. Anh có thể giữ bóng tốt khi quay lưng về phía khung thành, tạo điều kiện cho đồng đội dâng lên tham gia tấn công.
Dù là một Tiền đạo mục tiêu (Target Man), nhưng phạm vi hoạt động của “voi rừng” là rất rộng. Anh thường được giao vai trò làm tường và phá sức hậu vệ đối phương để đồng đội có thể khai thác khoảng trống. Anh thường xuyên tạo ra cơ hội bằng những đường chuyền trong tư thế quay lưng hoặc đánh đầu nhả bóng. Người được hưởng lợi nhiều nhất từ phong cách chơi này của Drogba phải kể đến người đồng đội Frank Lampard trong màu áo Chelsea, với 36 lần bộ đôi này mang về bàn thắng cho The Blues.
Trong sự nghiệp tại Chelsea, anh ghi 157 bàn và kiến tạo 71 lần. Đặc biệt, Didier Drogba được biết đến như “ông vua” của các trận chung kết với 10 bàn trong 10 trận chung kết trong thời gian khoác áo Chelsea.
Bản lĩnh vững vàng và nguồn thể lực dồi dào giúp trung phong cắm người Bờ Biển Ngà thường xuyên ghi bàn vào các thời khắc định đoạt trận đấu. Bàn thắng đáng nhớ nhất chắc chắn phải kể đến cú đánh đầu tung lưới Manuel Neuer trong trận chung kết UEFA Champions League năm 2012. Giúp Chelsea gỡ hòa ở những phút cuối cùng, tạo tiền đề cho chiến thắng cuối cùng trên loạt luân lưu.
Khi Didier Drogba gia nhập Chelsea vào mùa hè năm 2004 dưới thời Jose Mourinho, anh là bản hợp đồng kỷ lục của câu lạc bộ với mức phí 24 triệu bảng, đồng thời cũng là tiền đạo đắt giá nhất bóng đá Anh thời điểm đó.
Drogba chuyển đến từ Marseille, nơi anh vừa có mùa giải ấn tượng với 32 bàn thắng trên mọi mặt trận, trong đó có 11 bàn trong 13 trận ở UEFA Cup.
Tuy nhiên, khi mới đến Chelsea, Drogba không phải là cái tên quen thuộc với nhiều người hâm mộ Anh, thậm chí chủ tịch Roman Abramovich còn hỏi Mourinho “Drogba là ai?” khi được đề xuất ký hợp đồng. Mourinho kiên quyết lựa chọn Drogba thay vì các tiền đạo tên tuổi khác ở châu Âu, và thuyết phục Abramovich chỉ cần “trả tiền và đừng hỏi”
Trong mùa giải đầu tiên, Drogba phải cạnh tranh sát sao với các đồng đội như Eidur Gudjohnsen và Mateja Kezman, vốn là những tiền đạo có thành tích ghi bàn ấn tượng.
Anh chỉ có 18 lần ra sân chính thức tại Premier League, ghi 10 bàn, và tổng cộng 16 bàn ở mọi giải đấu (10 tại Premier League, 5 ở Champions League, 1 tại League Cup). Mùa giải này, Chelsea giành chức vô địch Premier League lần đầu tiên sau 50 năm và vô địch League Cup, trong đó Drogba ghi bàn quyết định ở hiệp phụ trận chung kết League Cup trước Liverpool.
Mặc dù có thành tích không quá nổi bật về số bàn thắng trong mùa đầu tiên, Drogba đã chứng tỏ giá trị ở những trận đấu quan trọng. Anh từng có ý định rời Chelsea sau mùa giải đầu tiên để tìm lại “vùng an toàn” tại Marseille, nhưng nhờ bài phát biểu truyền cảm hứng của Mourinho “Ở đây có 22 vị vua, nếu muốn làm vị vua duy nhất, hãy quay về nơi mọi người chỉ chơi xoay quanh anh”, nhờ vậy, Drogba đã quyết định ở lại và tiếp tục phấn đấu.
Như vậy, giai đoạn đầu tại Chelsea của Drogba là hành trình khẳng định bản thân trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, dưới sự dẫn dắt của Mourinho và sự tin tưởng tuyệt đối từ huấn luyện viên. Đây là nền tảng để anh trở thành biểu tượng của câu lạc bộ trong những năm tiếp theo.
Sau thời gian khó khăn ban đầu, đến mùa giải 2006/07, Drogba đã hoàn toàn thích nghi và trở thành trụ cột không thể thay thế. Anh giành danh hiệu Vua phá lưới Premier League với 20 bàn thắng, tổng cộng 33 bàn trên mọi đấu trường, và là chủ công giúp Chelsea giành cả FA Cup và League Cup, ghi bàn duy nhất cho Chelsea trong cả hai trận chung kết.
Ở các mùa giải tiếp theo, Drogba vẫn đóng vai trò trụ cột hàng công tại Chelsea. Dù có những giai đoạn bị chững phong độ do chấn thương và thay đổi HLV, song, “voi rừng” vẫn duy trì tầm ảnh hưởng của mình tại đội bóng Tây London.
Mùa giải 2009/10 dưới thời HLV Carlo Ancelotti là mùa giải chứng kiến Didier Drogba phiên bản hoàn thiện nhất. Anh giành danh hiệu Vua phá lưới Premier League lần thứ hai với 29 bàn, giúp Chelsea giành chức vô địch Premier League và FA Cup. Trong trận đấu cuối cùng của mùa giải, Drogba lập hat-trick trong chiến thắng 8–0 trước Wigan, đưa Chelsea trở thành đội đầu tiên trong lịch sử Premier League vượt mốc 100 bàn thắng trong một mùa giải.
Drogba cũng ghi bàn duy nhất trong trận chung kết FA Cup 2010 trước Portsmouth, duy trì thành tích ghi bàn liên tiếp trong các trận chung kết Anh quốc.
Tuy nhiên, với anh, nỗi ám ảnh về trận chung kết Champions League 2008 vẫn còn đó. Đêm mà anh đã nhận một thẻ đỏ, để rồi sau đó chứng kiến John Terry trượt chân trên chấm luân lưu, gián tiếp khiến Chelsea vuột mất chức vô địch Châu Âu năm đó.
Didier Drogba là một trong những cái tên được liệt vào danh sách nhóm “quyền lực đen” tại Chelsea, bên cạnh các công thần khác như Frank Lampard và John Terry.
Thành tích kém cỏi tại Ngoại Hạng Anh dưới thời HLV Andre Villas-Boas được cho là do ông đã không làm hài lòng được nhóm “quyền lực đen” này. Dù thông tin này chỉ là đồn đoán, song nó không phải không có cơ sở. Bằng chứng là việc “voi rừng” là một trong những cầu thủ có sự hồi sinh mạnh mẽ nhất sau khi ông thầy người Bồ Đào Nha mất ghế.
Trong bối cảnh Chelsea đã tụt lại khá sâu trong cuộc đua vô địch tại Ngoại Hạng Anh, thậm chí có nguy cơ “văng” ra khỏi Top 4, đồng nghĩa với việc không được dự UEFA Champions League mùa sau. Bài toán được đặt ra cho HLV tạm quyền Roberto Di Matteo bấy giờ đó là: vô địch 2 giải đấu cúp còn lại là FA Cup và UEFA Champions League.
Trong tâm thế là một trong các trụ cột sẽ rời đi vào cuối mùa, Drogba và các đồng đội bị dồn vào thế chân tường. Rất nhiều sự hoài nghi được đặt cho đội bóng Tây London: liệu Last Dance của thế hệ Chelsea được Jose Mourinho xây dựng có chạm được đến đỉnh Châu Âu? Hay sẽ lại “gục ngã trước cổng thiên đường” như trước Barcelona năm 2009 và Manchester United 2008?
Muôn vàn áp lực được đặt ra cho đoàn quân của Roberto Di Matteo lúc bấy giờ. Nhưng ông vẫn có trong tay “vị vua” của các trận chung kết - Didier Drogba. Với lực lượng được đánh giá nhỉnh hơn, Chelsea đã có được chức vô địch FA Cup sau bàn thắng của Ramires và Drogba.
Nhưng tất cả sẽ là vô nghĩa nếu đội chủ sân Stamford Bridge thất bại tại trận đấu quan trọng nhất mùa giải: trận Chung kết UEFA Champions League tại Munich, trước chính Bayern Munich.
Trận Chung kết Champions League năm 2011/12 phản ánh chính xác mùa giải của Chelsea năm đó. Họ bị dồn ép liên tục, bị đẩy vào thế rượt đuổi, nhưng lại trở thành kẻ được mỉm cười cuối cùng.
Với lực lượng vượt trội và lợi thế đá trên sân nhà, Bayern liên tục uy hiếp khung thành Chelsea. Lần lượt những Ribery, Robben, Mario Gomez thử thách tài năng của thủ thành Petr Cech. Mọi hy vọng tưởng chừng như đã khép lại khi Thomas Muller ghi bàn cho “Hùm Xám” vào phút thứ 83. Nhưng một lần nữa, Drogba lại kéo các True Blues về từ cõi chết.
Từ pha đá phạt góc đầu tiên trong trận đấu ở phút thứ 88, Juan Mata tạt một đường bóng chuẩn xác, Frank Lampard tạo áp lực với hậu vệ Bayern, tạo điều kiện cho Didier Drogba đánh đầu tung lưới Manuel Neuer. Trong thời gian hiệp phụ, Chelsea một lần nữa “thoát chết” nhờ pha cản phá phạt đền của Petr Cech.
Trên chấm luân lưu may rủi, may mắn lần này đã không từ chối Chelsea nữa. Và còn ngọt ngào hơn khi chính Didier Drogba, người với cú đá quyết định, chính thức đưa Chelsea đăng quang chức vô địch UEFA Champions League mà họ và chủ tịch Roman Abramovich đã chờ quá lâu để chạm vào.
Sau những gì cống hiến cho Chelsea, Didier Drogba đã chính thức trở thành “vị vua” không thể thay thế tại sân Stamford Bridge. Tuy nhiên, mối lương duyên của “voi rừng” và đội bóng Tây London chưa kết thúc.
Didier Drogba trở lại Chelsea vào mùa hè năm 2014 theo tiếng gọi của không ai khác ngoài người thầy đáng kính - Jose Mourinho. Tại nhiệm kỳ thứ 2 của mình tại Chelsea, anh sẽ đóng vai trò thủ lĩnh tinh thần, giúp cho thế hệ tiếp theo của “Người đặc biệt” chinh phục những đỉnh cao mới.
Drogba đã giúp Chelsea giành cú đúp danh hiệu quốc nội (Premier League và League Cup) trong mùa giải này. Anh để lại dấu ấn bằng tinh thần lãnh đạo, sự chuyên nghiệp và vai trò hình mẫu cho các cầu thủ trẻ.
Như vậy, với 7 bàn thắng trong mùa 2014/15, Drogba đã nâng tổng số bàn thắng mình ghi được trong màu áo Chelsea lên 164 bàn sau 381 lần ra sân. Hình ảnh Mourinho lấy chiếc vương miện trên chiếc cúp Premier League và đặt lên đầu Drogba năm 2015 là hình ảnh mang tính biểu tượng cho vị thế của “voi rừng” tại sân Stamford Bridge.
Như các CĐV Chelsea thường nói: “Sân Stamford Bridge có thể có rất nhiều huyền thoại, nhưng chỉ có 1 vị vua duy nhất”
Didier Drogba được bầu vào Đại sảnh Danh vọng Premier League (Premier League Hall of Fame) vào năm 2022 nhờ những thành tích xuất sắc trong 2 giai đoạn khoác áo Chelsea.
Anh được ghi nhận là một trong những tiền đạo nguy hiểm và có sức ảnh hưởng lớn nhất lịch sử Premier League. Anh đã ghi 104 bàn trong 254 trận đấu cho Chelsea qua hai giai đoạn, giành 4 chức vô địch Premier League và hai lần đoạt danh hiệu Vua phá lưới (Golden Boot).
Drogba trở thành cầu thủ thứ hai của Chelsea (sau Frank Lampard) được vinh danh tại Đại sảnh Danh vọng Premier League. Anh được trao huy chương khắc tên và năm nhập sảnh, cùng với khoản đóng góp từ Premier League cho tổ chức từ thiện mà anh lựa chọn.
Didier Drogba đã có sự nghiệp thi đấu quốc tế tương đối thành công cùng đội tuyển Bờ Biển Ngà từ năm 2002 đến 2014.
Trong suốt thời gian đó, anh đã khoác áo đội tuyển 105 lần và ghi 65 bàn thắng, trở thành cầu thủ ghi bàn nhiều nhất lịch sử quốc gia. Từ năm 2006, Drogba được giao trọng trách đội trưởng và dẫn dắt đội tuyển tại nhiều giải đấu lớn.
Anh là người ghi bàn đầu tiên cho Bờ Biển Ngà tại World Cup vào năm 2006, đồng thời cũng là đội trưởng tại World Cup 2010 và 2014. Ở đấu trường châu Phi, Drogba cùng đội tuyển lọt vào trận chung kết Africa Cup of Nations năm 2006 và 2012, dù cả hai lần đều thua trên chấm phạt đền.
Ngoài vai trò trên sân cỏ, Drogba còn là linh hồn của “Thế hệ vàng” Bờ Biển Ngà, cùng các đồng đội như Kolo Toure, Yaya Toure, Didier Zokora và Emmanuel Eboue, đưa đội tuyển lên tầm cao mới. Đặc biệt, anh được coi là biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc, sử dụng sức ảnh hưởng của mình để kêu gọi hòa bình trong giai đoạn đất nước gặp nhiều khó khăn.
Drogba chính thức chia tay đội tuyển quốc gia vào năm 2014, để lại di sản lớn về thành tích, tinh thần và vai trò lãnh đạo cho thế hệ sau.
Didier Drogba có ảnh hưởng lớn lao bên ngoài sân cỏ, không chỉ là một huyền thoại bóng đá mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết, hòa bình và phát triển cho quê hương Bờ Biển Ngà và cả châu Phi.
Trong bối cảnh đất nước trải qua nội chiến, Drogba và đồng đội đã trở thành tấm gương cho sự thống nhất và hy vọng. Năm 2005, sau khi giúp đội tuyển Bờ Biển Ngà giành vé dự World Cup, Drogba đã kêu gọi các phe phái dừng chiến sự để cùng nhau cổ vũ cho đội tuyển, góp phần mang lại sự đoàn kết tạm thời giữa các cộng đồng và truyền cảm hứng cho hòa bình.
Drogba cũng là người sáng lập Didier Drogba Foundation từ năm 2007, tổ chức chuyên hỗ trợ giáo dục, y tế cho trẻ em nghèo và các cộng đồng bị thiệt thòi tại châu Phi. Tổ chức này đã xây dựng nhiều bệnh viện và trường học, đặc biệt tại các vùng sâu vùng xa, giúp hàng nghìn trẻ em tiếp cận được với giáo dục và dịch vụ y tế chất lượng. Năm 2024, Didier Drogba Foundation còn được chọn làm đối tác tác động xã hội chính thức của giải đua UIM E1 World Championship, nhằm mở rộng quy mô hỗ trợ và nâng cao nhận thức về các vấn đề xã hội ở châu Phi.
Ngoài ra, Drogba còn là Đại sứ Thiện chí của Liên Hợp Quốc và Phó Chủ tịch tổ chức Peace and Sport, tham gia tích cực vào các chương trình thúc đẩy hòa bình, hòa giải và phát triển cộng đồng trên toàn cầu. Những nỗ lực của anh đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ, chứng minh rằng sức ảnh hưởng của một vận động viên thể thao có thể góp phần tạo ra những thay đổi tích cực lớn lao cho xã hội.
Didier Drogba có thể coi là một trong những trung phong cắm hoàn thiện nhất mà bóng đá thế giới từng chứng kiến. Hình ảnh “voi rừng” mạnh mẽ, luôn xuất hiện tại những thời điểm mà đội bóng cần anh nhất, sẽ luôn là một phần ký ức của các True Blues.
Theo dõi K+ Play để không bỏ lỡ câu chuyện về các huyền thoại ngoại hạng anh!